Chả – nem là một trong hai món ăn nổi tiếng nhất được thực khách nước ngoài biết đến nhiều nhất ở Việt Nam sau món Phở. Tuy nhiên, mỗi vùng miền lại có cách chế biến, gia giảm nguyên liệu để được các món chả – nem khác nhau, mang những hương vị độc đáo và hoàn toàn riêng biệt. Nếu như với Hà Nội người ta thường nhắc đến Chả cá Lã Vọng, nhắc đến Quảng Ninh với chả mực Hạ Long thì ở Thanh Hóa không thể nào không nói đến chả tôm. Chả tôm là một món ăn mang hương vị đặc biệt, đủ để mỗi người con xứ Thanh đi xa luôn nhớ về.

Cách làm chả tôm không phức tạp, nguyên liệu cũng toàn những thứ đơn giản, dễ tìm nhưng chế biến thì phải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Chỉ cần chuẩn bị it tôm tươi – tôm biển Sầm Sơn thì càng ngon, một ít thịt ba chỉ có chút mỡ đan xem lớp thịt hồng hồng, vài củ hành tím và bánh phở là có thể tiến hành làm chả tôm.

Người thợ làm chả mua tôm về, rửa sạch và hấp sơ cho dễ bóc vỏ. Bóc hết đầu, đuôi và bỏ phần chỉ đen trên lưng tôm. Con tôm tươi sau khi được hấp lên đỏ rực, thịt trắng ngần; đem bỏ vào cối giã nhỏ cho tơi rồi để riêng. Người xứ Thanh chọn cách giã chứ không xay, tuy vất vả hơn nhưng thịt tôm sẽ giữ được độ dai, ngon, khi ăn miếng chả vẫn cảm nhận được vị tôm thật tươi. Sau khi làm tôm xong thì tiến hành rán thịt ba chỉ đến khi vàng đều, sau đó thái và băm thịt lẫn với hành khô bóc vỏ. Có nơi người ta không bóc vỏ tôm, mà cho tôm vào chảo rang cùng với thịt khi mà thịt gần được rồi vớt ra băm thịt và giã tôm như bình thường.
Trộn hỗn hợp nhân chả gồm tôm đã giã, thịt rán băm nhỏ, một ít bánh phở cắt vụn, hạt tiêu bắc và một chút gia vị cho đậm đà. Nhân chả khi mới trộn lên thôi đã có hương và màu đẹp mắt, đủ làm cồn cào nhưng cái bụng đang đói. Để màu nhân được đẹp và đỏ hơn, đôi khi người ta còn cho thêm một chút thịt của quả gấc.

Đến phần gói chả, người ta dùng bánh phở làm phần vỏ ngoài. Bánh phở phải chọn loại dày và dai, cắt miếng nhỏ chừng 4 x 7 cm rồi rải nhân và cuốn như cuốn nem bình thường. Những chiếc chả tôm quấn xong trắng ngần, chỉ nhỏ nhỏ xinh xinh như ngón tay và được xếp đều tăm tắp trên mâm chờ nướng.

Chả tôm khi nướng

Từng miếng chả tôm được kẹp que tre và nướng trên than hoa

Chả được kẹp vào những nẹp tre tươi hoặc xếp lên vỉ nướng. Chỉ khi có khách gọi món thì người bán hàng mới bắt đầu nướng chả trên bếp lửa than hoa, một tay quạt bếp một tay lật chả, mùi chả quyến rũ làm thực khách chốc chốc lại ngóng nhìn chờ đợi phần ăn của mình. Chả tôm khi nướng xong nóng hổi, có màu vàng đậm, lấp ló một chút lớp nhân đỏ hồng, lớp bánh phở bên ngoài được mỡ của lớp nhân bên trong chiết ra, vì vậy không bị khô mà lại giòn tan, thơm lừng.

Khâu chuẩn bị nước chấm cũng rất đặc biệt, phải có đu đủ ương thái mỏng, vài quả sung chát bổ đôi, ớt tươi, dấm chua, đường, nước mắm cốt sao cho đủ vị chua – cay – mặn – ngọt mà lại dịu dịu để kết hợp cùng với chả tôm và các loại rau sống trở thành “cặp đôi hoàn hảo” ăn mãi không chán.

Chả tôm

Chả tôm giòn giòn nóng hổi ăn kèm nước chấm chua ngọt hấp dẫn

Tiết trời chiều mát mẻ, ngồi trong quán chả tôm thơm lừng mùi chả nướng béo ngậy quyện với mùi khói và thưởng thức miếng chả tôm nóng giòn với vị tôm biển mặn mòi, vừa bùi bùi vừa dai ngọ, điểm xuyết vị chua dìu dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi cùng rau sống thanh mát, tất cả tạo nên một cảm nhận đặc biệt về món ăn dân dã xứ Thanh, ăn một lần sẽ nhớ mãi.

 

Đánh giá post